Giới thiệu phim Đứa con của Rosemary 1968 – Rosemary’s Baby 1968
Cuộc đời đầy tranh cãi của Roman Polanski
Roman Polanski chưa bao giờ được coi là người đàng hoàng. Thỉnh thoảng mình tự hỏi, nếu Polanski thực hiện trách nhiệm của một người chồng bình thường, tức là ở bên cạnh chăm sóc cô vợ bầu 8 tháng rưỡi, liệu số nạn nhân trong vụ giết hại Sharon Tate có giảm. “Nhờ” cái sự yêu thương nồng ấm của chồng, Sharon Tate gần ngày lâm bồn không có ai bên cạnh nên gọi bạn bè tới chơi cho vui, ai dè cả lũ bất hạnh chết sạch. Bảo bi kịch này đổ thừa cho Polanski cũng không đúng nhưng nói ổng vô can, không lỗi lầm gì thì cứ thấy sai sai.
Mãi đến năm 1977, nhân cách mờ mờ của Polanski mới được làm rõ ra là đen sì sì. Sau khi chuốc rượu và hiếp dâm một người mẫu vị thành niên, Polanski tự dưng sợ ngồi tù nên chạy sang châu Âu trốn tội. Ổng trốn cũng lâu dài và chuyên nghiệp lắm. Trong một Hollywood vô liêm sỉ và bại hoại, người như Polanski tiếp tục được làm phim, giành giải thưởng, thậm chí là thắng một giải Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất với The Pianist (2002), một phim về đề tài diệt chủng. Đôi lúc cuộc sống vô cùng bất công khi kẻ xấu xí về nhân cách như vậy vẫn được phép lên mặt dạy đời con người về nghệ thuật, về giá trị nhân văn, về tội ác chiến tranh hầm bà lằng.
Vậy nên dưới góc độ cá nhân, mình từ chối xem phim của Polanski sau năm 1977. Không phải vì mình danh giá hay đạo đức cao cả hay đề cao nữ quyền hay #Metoo cái gì hết, mình chỉ đơn giản là con người thù vặt. Mình cũng không muốn có suy nghĩ phiến diện và tào lao về những diễn viên đồng ý tham gia vào phim của Polanski mặc dù biết những việc ông ta đã làm.Điều buồn cười là mình muốn xem phim Rosemary’s Baby vì Mia Farrow, nữ diễn viên chính của phim (Bà này là mẹ của Ronan Farrow, nhà báo đã lật đổ Harvey Weinstein). Ronan Farrow là con trai của Woody Allen, một người lắm tài nhiều tật và độ đàng hoàng cũng không kém cạnh gì Roman Polanski. Mãi đến khi bộ phim kết thúc và mình tìm hiểu thêm về nó, mình mới ngỡ ngàng nhận ra đây là phim của Polanski. Hóa ra đối với một người cho rằng kiến thức phim ảnh của mình không tệ, mình thiếu căn bản trầm trọng. Ưu điểm của cái sự ngu này là mình có thể đánh giá bộ phim “thiết diện vô tư”, nghĩ gì nói nấy, không sợ bị cái thành kiến của mình che mờ tác phẩm nữa. Và vì ngu, mình tự phá luật (tự đặt) là mình không thèm coi phim của Polanski.
Giữa phim Đứa con của Rosemary 1968 – Rosemary’s Baby 1968
Hóa ra mình không có gì nhiều để nói về Rosemary’s Baby như mình nghĩ, bởi bộ phim thực tế không có gì ghê gớm để mà nói. Với kinh nghiệm xem hàng tá phim về các giáo phái thờ Satan hay ác quỷ thần thánh nào đó, cốt truyện của Rosemary’s Baby rất dễ đoán. Vì dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Ira Levin, bộ phim có sẵn một câu chuyện tương đối chặt chẽ về kết cấu, tình tiết và tính logic. Mọi tình tiết lớn nhỏ trong phim đều được cài cắm hợp lý, nếu ai không đoán được nội dung bất ngờ của câu chuyện thì sẽ thấy ngã ngửa, ai mà đoán được thì sẽ gật gù nhận ra không chi tiết vụn vặt nào là thừa thãi, mình cho đó là một điểm hay mà không phải phim tâm lý kinh dị nào cũng có.
So sánh với phim kinh dị cùng đề tài giáo phái gần đây nhất mình từng xem là Hereditary (2018), Rosemary’s Baby chỉ là phim dành cho trẻ em. Mình đoán đây cũng là điểm hay của phim khi không sa đà vào mấy màn dọa ma hay máu me nhảm nhí, đặc biệt là khi họ có cố dọa thì cũng chẳng ai sợ cả. Cảnh “kinh dị” nhất của bộ phim đương nhiên là cảnh Rosemary bị anh chồng đánh thuốc và bị Satan hiếp dâm rồi.
Mình đã không ngờ tới một cảnh quay trần trụi như thế ở năm 1968, ý mình là đến tận bây giờ, người ta chắc cũng chẳng dám làm một cảnh táo bạo đến như thế. Nó khiến mình bất ngờ bởi tính hình tượng nhưng chi tiết gây ngạc nhiên, sự mơ màng trong nhận thức bị phê thuốc của nữ chính được đan cài trong những góc quay cẩn thận, bảo tục thì cũng tục, bảo thanh thì cũng thanh. Với cuộc sống đạo đức giả của một nữ thanh niên con nhà lành chưa từng đụng vào chất kích thích, mình không biết cảm giác “high” nó như thế nào, nhưng mình đảm bảo đạo diễn Roman Polanski thì có thừa kinh nghiệm. Sự quay cuồng trong suy nghĩ của Rosemary giữa thực tại và ảo giác, giữa ma quỷ và đám ma quỷ đội lốt người xung quanh cô, giữa quá khứ, hình ảnh tào lao khi ý thức mất dần, giữa sự níu kéo tự chủ và bao nhiêu chất hóa học và “bùa chú” diễn ra, tất cả được đan cài lộn xộn một cách có chủ ý nhất có thể. Và kêu gào giữa địa ngục, ảo giác và đánh mất chính mình là một Rosemary hoảng loạn, sợ hãi và cô đơn cùng cực.
Bản thân mình nghĩ diễn xuất của Mia Farrow không ghê gớm như người ta ca ngợi. Có lẽ bản thân mình không thực sự thích tính cách của nhân vật Rosemary. Tuy vậy sự chuyển biến tâm lý của nhân vật là hợp lý, sự giận dữ, nghi ngờ hay mọi suy nghĩ, hành động của nhân vật Rosemary có thể đươc coi là vận hành trơn tru, không va vấp, không nhảy sào đột kích hoặc chạy ra khỏi con đường của nhân vật.
Mình không thích một nhân vật mới phút trước còn gào khóc bi kịch, phút sau đã trở nên sáng dạ gài bẫy hết tên này đến tên khác, ngoài đời làm gì có thứ adrenalin nào thần thánh vậy. Sự thay đổi của Rosemary tăng dần theo thời gian và nó được tích lũy theo việc cô từ từ khám phá ra sự thật, nhưng nó vẫn gói gọn trong khuôn khổ cao siêu nhất là cô cầm dao chạy qua nhà hàng xóm đòi con, không hơn không kém. Mia Farrow có sự biến chuyển linh hoạt trong tâm lý nhân vật và diễn tả trọn vẹn từng cung bậc cảm xúc ấy, chỉ là nếu tìm được một cảnh quay thực sự đáng nhớ và nổi bật, mình không tìm được.
Kết phim Đứa con của Rosemary 1968 – Rosemary’s Baby 1968
Cho dù đoán được diễn biến câu chuyện, mình không đoán được kết thúc. Bản thân mình đã mong đợi Rosemary nổ nồi áp suất và đâm tán loạn vô gã chồng bỉ ổi và đám người tởm lợm trong giáo phái kia, kiểu một mất một còn, bà chơi khô máu với mày luôn. Nhưng không, Polanski chọn một cái kết hòa nhã hơn khi để “tình mẫu tử” vượt lên trên cái bào thai quỷ, và một cái kết thoải mái cho tương lai loài người. Nếu nghĩ kỹ, đây là một cái kết đáng sợ hơn màn chém giết tập thể mà mình mong đợi. Với lại đây có phải là phim của Quentin Tarantino đâu mà đòi máu nhuộm sa mạc.
Review phim Rosemary’s Baby có nhiều lý do để cho rằng nó đi trước thời đại. Nó không tạo ra nỗi sợ hãi bằng máu me hay hình ảnh ghê rợn, sự sợ hãi của khán giả tăng dần theo sự sợ hãi trong tâm lý của nhân vật chính khi thấy số phân cô dần dần bị bóp nghẹt không lối thoát. Một kiểu psychological horror dạng nhẹ nhàng ngày xưa, mình đoán vậy. Bộ phim có một cảnh quay đáng nhớ và nổi trội, một cảnh quay xuất sắc trong một bộ phim trung bình, mình cho rằng vậy vẫn tốt hơn một bộ phim khá từ đầu đến cuối nhưng không đọng lại gì hết.