Giới Thiệu Phim Buổi thử giọng kinh hoàng 1999
Buổi thử giọng kinh hoàng 1999 xuất hiện đúng thời điểm. Đó là khi dòng phim J-Horror của nước Nhật – với hai đại diện là Ringu (Vòng tròn oan nghiệt) của Hideo Nakata và Ju-on (Lời nguyền) của Takashi Shimizu khiến cho cả thế giới phải khiếp sợ. Không cần những pha hù dọa, những cảnh máu me giật gân, các bộ phim này tạo ra một không khí ma quái và gây căng thẳng tột độ cho người xem. Audition cũng đi theo hướng đó, nhưng nó tiết chế hơn, tinh tế hơn, và không hề đả động gì đến các thế lực siêu nhiên. Chính con người, mà cũng bởi vì là con người, mới là con quỷ gieo rắc những nỗi sợ hãi kinh khủng nhất.
Shiina Eihi trong vai Asami.
Tuy việc kiếm được một người phụ nữ như cái cách Murakami Ryu miêu tả là bất khả, việc lựa chọn Shiina Eihi của đạo diễn Miike đem tới hiệu quả đáng kinh ngạc. Cô có thân hình mảnh mai, khuôn mặt nhỏ nhắn đầy vẻ ngây thơ cùng với đôi mắt đen láy hút hồn. Tuy mới là lần thứ hai xuất hiện trên màn ảnh (có thể nói Miike đã “khai quật” được tài năng này), Shiina có màn trình diễn hoàn hảo, khi thì dịu dàng, đáng yêu, nhưng lúc cần thì vẫn có thể khiến người xem lạnh gáy bởi nụ cười tươi tắn mà không chút cảm xúc của kẻ sát nhân.
“Tôi chưa bao giờ cảm thấy bất hạnh vì tôi luôn bất hạnh.”
Biểu cảm ấy của Asami là biểu hiện của một tâm hồn đã được tôi luyện dưới địa ngục tới mức nhuần nhuyễn – ở đó không còn chỗ cho sự dằn vặt hay đấu tranh nữa. Quá khứ của Asami chỉ là những lát cắt vụn không rõ ràng, nhưng chỉ cần thế người xem cũng có thể hiểu rằng cô ta đã trải qua những đau đớn tột độ về cả thể xác lẫn tinh thần.
“Vì sao cô ấy không thể làm nữ chính?”
“Vì họ không phải người bất hạnh. Nếu không bất hạnh thì không thể diễn hay được đâu.”
Dựa vào vào những gì Yoshikawa nói, thì Asami có lẽ là một diễn viên hoàn hảo. Không cần qua một trường lớp đào tạo nào, chính những biến cố, chính những con ác quỷ đội lốt người đã đào tạo cô ta trở thành một diễn viên xuất chúng đến vậy. Asami có thể nói dối không chớp mắt, dùng vẻ ngây thơ của mình để quyến rũ và đánh lạc hướng đối phương, dù cho đó là nam hay nữ. Tất cả chỉ để đạt được một mục đích duy nhất, không phải để trừng phạt kẻ khác, không, mà hòng tìm một người có thể thật sự chỉ yêu một mình mình mà thôi. Chỉ khi cảm thấy mình bị lừa (?) Asami mới tìm cách trừng phạt người đó.
Nội dung Phim Buổi thử giọng kinh hoàng 1999
Vậy câu hỏi ở đây là Asami bị lừa (bởi người tán tỉnh cô ta và cả xã hội), hay những người đàn ông, đàn bà gặp gỡ Asami mới là người bị lừa bởi diễn xuất của cô? Ta có nên thương cảm cho sự cô độc và trong sáng tuyệt đối của Asami không? Ta có nên lên án cách đánh giá giá trị của phụ nữ trong xã hội Nhật Bản hiện đại? Ngay cả Shigehiko, vẫn còn là học sinh cấp 3, cũng đã có những suy nghĩ khá giống bố, hay những người đàn ông trưởng thành khác, về phụ nữ.
“Khi phải từ bỏ ba-lê em đã rất đau khổ. Nghe có vẻ nặng nề, nhưng em nghĩ điều đó cũng giống như việc chấp nhận cái chết. Và tồn tại cũng chỉ là một phương thức để dẫn đến cái chết.”
Lời bộc bạch trên của Asami tuy có vẻ nặng nề quá mức, thực ra lại là một tâm trạng phù hợp với đa số mọi người. Ví dụ, bị người mình yêu thương hết long “cắm sừng”, hẳn sẽ có nhiều cô gái, chàng trai khóc lóc với bạn thân rằng “tao chỉ muốn chết đi mà thôi”. Với Aoyama, sự ra đi của người vợ cũng mang lại nỗi đau tương tự như thế. Vợ anh ta bị cái chết mang đi theo một phương cách không thể cứu vãn được, hay, cái chết mang một quyền lực tuyệt đối. Vậy ngoài sự đau đớn đến chết trong trái tim, người đàn ông này cũng hiểu rằng sự sống là một chặng đường mà cái chết là đích đến, dù sớm hay muộn. Sự đồng cảm của Aoyama và Asami là sự đồng cảm mang sắc thái tiêu cực, và Aoyama lại không lường trước được bóng tối của Asami lớn đến thế nào. Nói một cách vui vẻ, Asami là một chị Dậu (Tắt đèn, Ngô Tất Tố) bị coi thường, bị dồn đến bước đường cùng. Chỉ có điều, cách thức phản ứng của Asami hoành tráng hơn chị Dậu nhiều.
Xem “Audition” giống như một sự hành hình đối với thị giác và thính giác. Cách Miike sử dụng âm thanh nền, tiết chế nó xuống để đẩy những chi tiết khác lên tạo ra một độ động rất sâu và vang dội. Ngoài đặc sản máu me không chùn bước đã làm nên tên tuổi, tôi đặc biệt ấn tượng những khung hình của Asami lúc nhỏ. Cô bé nhỏ nhắn trong bộ đồ tập múa ôm sát cơ thể, hằn lên những vết hồng hào của da thịt hư hư thực thực. Cô bé đứng cạnh cánh cửa bằng hai đầu mũi chân, quay lưng về phía màn hình, và từ từ nhún người xuống trong một động tác tôi không biết tên. Có gì đó vô cùng siêu thực và nó toát lên vẻ nhục dục nhớp nháp đến nỗi tôi cảm thấy xấu hổ về bản thân khi cho phép mình nghĩ như thế. Khung cảnh ấy có thể đại diện cho khởi nguồn của mọi tình tiết trong bộ phim này. Chỉ cần một cảnh như vậy thôi là đủ.
Audition có rất nhiều cảnh gây sốc.
Kết Phim Buổi thử giọng kinh hoàng 1999
Miike còn đi xa hơn Murakami Ryu ở việc tạo ra cốt truyện nước đôi, một đặc điểm mà điện ảnh có khả năng tái hiện tốt hơn. Từ đầu phim đến trước khi Asami biến mất, các tình tiết đều rất bình thường và trôi chảy. Sau khoảnh khắc đó, Aoyama trong hành trình tìm kiếm cô tình nhân trẻ, đã khám phá ra hàng loạt bí mật động trời, và liên tiếp gặp những ảo ảnh rùng rợn, bao gồm cả việc Asami đánh thuốc mê rồi cắt lìa chân mình. Đột nhiên, Aoyama tỉnh dậy. Bên cạnh là Asami đang say giấc nồng. Liệu cơn ác mộng kinh hoàng, những ảo ảnh anh vừa trải qua là thực hay do anh tự nghĩ ra? Trong tuyến truyện thứ hai này, Asami đồng ý lời cầu hôn của Aoyama, Aoyama cũng nhanh chóng ôm cô vào lòng và quên đi cơn ác mộng vừa rồi. Đây là cách đạo diễn khuấy động tâm trí của người xem, khiến họ nghi ngờ, thắc mắc, sau hàng loạt những thước phim rùng rợn trước đó. Đồng thời Miike cũng “ghìm” nhịp phim xuống thật chậm rãi. Khán giả đang bối rối và bắt đầu tin rằng, đây thực sự có thể là một giấc mơ. Để rồi sau đó, đạo diễn lạnh lùng đưa chúng ta quay lại hiện thực nghiệt ngã.
Một vài chi tiết và nhân vật được đạo diễn thêm vào cũng đem tới hiệu quả cao, như nhân vật nữ nhân viên ở công ty Aoyama hay cô bạn gái của Shigehiko. Sự xuất hiện của họ khiến Audition không chỉ còn là một câu chuyện rùng rợn đơn thuần về bi kịch của một người đàn ông góa vợ nữa, mà rộng ra, nó phản ánh cả một tầng lớp trung lưu trong xã hội. Nó nhấn mạnh hơn nữa ý định của Murakami Ryu về một kiểu suy nghĩ tư bản coi phụ nữ trở thành công cụ đơn thuần để mua vui cho đàn ông.
***
Nếu như Murakami trình bày Thử vai bằng những diễn giải tỉ mỉ và một cốt truyện bình tĩnh, chắc chắn, thì Miike lại xáo trộn Audition với sự phi tuyến tính đầy tài năng và tràn đầy năng lượng của mình. Xem Audition không dễ chịu, nhưng nó phơi bày cho chúng ta thấy được nhiều điều, dù rằng nó có phần cường điệu quá mức. Miike đã chứng tỏ mình là một đạo diễn tài năng và cái duyên, cũng như cái điên của ông thông qua Audition.